Nghiên cứu triết học Bertrand_Russell

Triết học phân tích

Russell thường được xem là một trong những người đặt nền móng cho triết học phân tích và thậm chí một số nhánh của ngành này. Vào đầu thế kỷ 20, cùng với George Edward Moore, Russell đã gần như khởi xướng "cuộc nổi dậy" tại nước Anh chống lại chủ nghĩa duy tâm" - một trường phái triết học chịu ảnh hưởng lớn bởi Georg Hegel và vị thánh tông đồ người Anh của ông F. H. Bradley. 30 năm sau, cuộc nổi dậy này còn được vọng lại tại Viên với "cuộc nổi dậy" của những người theo chủ nghĩa chứng thực lôgic chống lại siêu hình học. Russell đặc biệt phê phán mạnh mẽ học thuyết duy tâm về các quan hệ nội tại - quan niệm cho rằng để hiểu về một vật cụ thể nào đó, ta phải hiểu tất cả các quan hệ của nó. Russell đã chỉ ra rằng quan niệm này sẽ làm cho không gian, thời gian, khoa học và khái niệm về số trở thành không thể hiểu được. Các công trình lôgic của Russell và Whitehead đã tiếp tục đề tài này.

Russell và Moore đã cố gắng loại bỏ những gì mà họ cho là các khẳng định vô nghĩa và không mạch lạc trong triết học, họ tìm kiếm sự trong sáng và tính chính xác trong luận cứ bằng ngôn ngữ chính xác và bằng cách phân tách các mệnh đề triết học thành các thành phần đơn giản nhất. Cụ thể, Russell coi lôgickhoa học là các công cụ chính của các nhà triết học. Khác với đa số các nhà triết học trước ông và nhiều người cùng thời, Russell không tin rằng có một phương pháp riêng dành cho triết học. Ông tin rằng nhiệm vụ chính của nhà triết học là làm sáng tỏ các mệnh đề tổng quát nhất về thế giới và loại bỏ những mơ hồ và nhầm lẫn. Cụ thể, ông đã muốn chấm dứt cái mà ông coi là những thứ quá mức của siêu hình học.

Nhận thức luận

Nhận thức luận của Russell trải qua nhiều giai đoạn. Thời trẻ, ông đã từ bỏ chủ nghĩa Tân Hegel và giữ nguyên là một người theo thuyết duy thực triết học trong suốt phần đời còn lại. Ông tin rằng các trải nghiệm trực tiếp có tầm quan trọng bậc nhất đối với việc đạt được tri thức. Tuy một số quan niệm của ông không còn được hâm mộ, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong sự phân biệt giữa hai cách mà theo đó ta có thể làm quen với các đối tượng: "tri thức từ nhận biết" và "tri thức từ mô tả". Có một thời gian, Russell đã cho rằng ta chỉ có thể nhận biết bằng dữ liệu giác quan của chính ta — các tri giác nhất thời về màu sắc, âm thanh và những thứ tương tự—và rằng tất cả những thứ khác, trong đó có các đối tượng vật lý mà ta chỉ có thể thu được các dữ liệu giác quan về chúng bằng cách suy luận hoặc lập luận— nghĩa là được biết bởi mô tả— không được biết một cách trực tiếp. Sự phân biệt này đã được ứng dụng rộng rãi, tuy sau này Russell đã loại bỏ quan niệm về dữ liệu giác quan trực tiếp.

Trong triết học của ông về cuối đời, Russell đã chia sẻ quan điểm với một dạng chủ nghĩa nhất nguyên trung dung (neutral monism), trong đó, tại phân tích cuối cùng, ông cho rằng những khác biệt giữa các thế giới vật chấttinh thần là tùy ý, và rằng cả hai đều có thể được suy giảm về một tính chất trung gian— một quan niệm tương đồng với quan niệm của một nhà triết học Mỹ, William James, và là quan niệm đã được phát biểu đầu tiên bởi Baruch Spinoza, người mà Russell rất ngưỡng mộ. Tuy nhiên, thay vì "trải nghiệm thuần túy" của James, Russell đã mô tả đặc điểm của bản chất các trạng thái khởi đầu của tri giác là các "biến cố", một quan điểm tương đồng một cách kỳ lạ với triết học quá trình (process philosophy) của Alfred North Whitehead - người thầy cũ của Russell.

Luân lý học

Tuy Russell viết rất nhiều về các chủ đề luân lý học, ông không tin rằng chủ đề này thuộc về triết học hay rằng ông đã dùng năng lực của một nhà triết học khi viết về luân lý học. Thời trẻ, Russell chịu ảnh hưởng lớn của tác phẩm Principia Ethica của George Edward Moore. Cùng với Moore, khi đó ông đã tin rằng các sự kiện đạo đức có tính chất khách quan nhưng chỉ được biết qua trực quan, và rằng chúng là các tính chất đơn giản của các đối tượng chứ không tương đương với các đối tượng tự nhiên mà chúng thường được gán cho (xem Ngụy biện tự nhiên). Ông cho rằng các tính chất đạo đức đơn giản không định nghĩa được này không thể được phân tích dựa trên các tính chất có không thuộc về đạo đức mà chúng có quan hệ. Tuy nhiên, theo thời gian, ông đi đến đồng quan điểm với người hùng triết học của ông, David Hume, người tin rằng các thuật ngữ luân lý học nói đến các giá trị chủ quan mà không thể được chứng thực theo cách mà người ta vẫn làm đối với các vấn đề sự kiện. Cùng với các học thuyết khác của Russell, quan niệm này đã ảnh hưởng tới các nhà chứng thực lôgic, những người đã thiết lập lý thuyết emotivism với quan điểm rằng các mệnh đề luân lý (cũng như các mệnh đề siêu hình học) về bản chất là vô nghĩa và vô lý, hay cùng lắm cũng không hơn các biểu đạt về thái độ và sự ưu tiên là bao.Mặc dù vậy. chính Russell lại không hiểu các mệnh đề luân lý theo cách hẹp như các nhà triết học chứng thực, vì ông tin rằng các suy xét luân lý học không chỉ có ý nghĩa mà còn là một chủ đề sống còn đối với giao tiếp thông thường. Quả thực, tuy Russell thường được mô tả là ông thần bảo hộ của sự hợp lý, ông đã đồng ý với Hume, người nói rằng lý tính nên giữ vị trí kém quan trọng hơn các suy xét luân lý.

Russell đã viết một số cuốn sách về các vấn đề luân lý thực tiễn chẳng hạn như hôn nhân. Ông có các quan điểm tự do về lĩnh vực này. Ông cho rằng các quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là chấp nhận được. Trong cuốn Human Society in Ethics and Politics (1954), ông ủng hộ quan niệm rằng ta nên nhìn các vấn đề đạo đức từ góc nhìn của các mong muốn cá nhân. Các cá nhân được phép làm những gì họ mong muốn, miễn là không có xung đột giữa mong muốn của những cá nhân khác nhau. Bản thân các mong muốn không xấu, chỉ có đôi khi các hậu quả tiềm năng hay thực tế của chúng là xấu. Russell còn viết rằng sự trừng phạt chỉ quan trọng với ý nghĩa một công cụ. Do đó, ta không nên trừng phạt một ai đó chỉ vì mục đích trừng phạt.

Thuyết nguyên tử lôgic

Có lẽ lối phân tích triết học hệ thống hóa nhất và thuyết logic với trọng tâm là chủ nghĩa kinh nghiệm (empiricist-centric logicism) của Russell được thể hiện rõ nhất trong cái mà ông gọi là thuyết nguyên tử lôgic (logical atomism), học thuyết này được phát triển trong một tập hợp các bài giảng. Trong các bài giảng này, Russell trình bày khái niệm của ông về một ngôn ngữ đẳng cấu lý tưởng mà nó có thể phản ánh chính xác thế giới, trong ngôn ngữ đó, tri thức của ta có thể được suy giản về các mệnh đề nguyên tử và các kết hợp của chúng với ý nghĩa như các hàm chân giá trị (truth function). Thuyết nguyên tử lôgic là một hình thức chủ nghĩa kinh nghiệm cấp tiến, vì Russell tin rằng yêu cầu quan trọng nhất đối với một ngôn ngữ lý tưởng như vậy là: mọi mệnh đề có nghĩa đều phải bao gồm các thuật ngữ chỉ trực tiếp đến các đối tượng mà ta biết. Russell loại trừ một số thuật ngữ lôgic hình thức nhất định, chẳng hạn tất cả, mọi, là, v.v.. khỏi yêu cầu của ông về tính đẳng cấu. Nhưng ông chưa bao giờ hoàn toàn hài lòng với cách hiểu của chúng ta về những từ này. Một trong những chủ đề trung tâm của thuyết nguyên tử của Russell là: thế giới bao gồm các sự kiện độc lập với nhau về lôgic, tính đa nguyên của các sự kiện, và rằng tri thức của ta phụ thuộc vào dữ liệu của trải nghiệm trực tiếp của ta về các sự kiện đó.

Về cuối đời, Russell trở nên nghi ngờ các khía cạnh của thuyết nguyên tử lôgic, đặc biệt là nguyên lý đẳng cấu của ông, tuy ông vẫn tiếp tục tin rằng một quá trình triết học cần phải phân tích sự kiện/tri thức thành những thành phần đơn giản nhất, ngay cả khi ta có thể không hoàn toàn đạt đến một sự kiện tuyệt đối nguyên tử.

Lôgic và triết học của toán học

Tôn giáo và thần học

Trong phần lớn cuộc đời, Russell nghĩ rằng rất ít khả năng tồn tại một vị Chúa trời, và ông cho rằng tôn giáo chỉ hơn mê tín dị đoan tí chút và mặc dù tôn giáo có thể có hiệu ứng tích cực, nói chung tôn giáo vẫn có hại đối với dân chúng. Ông tin rằng tôn giáo và lối suy nghĩ tôn giáo (ông coi chủ nghĩa cộng sản và các hệ tư tưởng hệ thống hóa khác cũng là các dạng tôn giáo) làm cản trở tri thức, nuôi dưỡng sự sợ hãi và phụ thuộc, và phải chịu trách nhiệm cho phần lớn các cuộc chiến tranh, đàn áp và đau khổ trên thế giới.

Quan điểm của Russell về tôn giáo thể hiện trong cuốn sách nổi tiếng của ông Why I Am Not a Christian and Other Essays on Religion and Related Subjects (Tại sao tôi không phải tín đồ Kitô giáo, và các bài luận khác về tôn giáo và các chủ đề liên quan) (ISBN 0-671-20323-1). Cuốn sách còn chứa những bài luận mà trong đó Russell xem xét một loạt các luận cứ lôgic về sự tồn tại của Chúa trời, bao gồm luận cứ nguyên nhân đầu tiên, luận cứ quy luật tự nhiên (natural-law argument - thuyết cho rằng Chúa trời đã tạo ra các quy luật tự nhiên), luận cứ thiết kế (argument from design) và các luận cứ đạo đức khác. Ông còn bàn luận cụ thể về thần học Ki-tô giáo.

Kết luận của ông:

Tôi nghĩ rằng tôn giáo được dựa chủ yếu và căn bản trên sự sợ hãi. Đó một phần là nỗi sợ những gì không biết, và một phần là ước muốn được cảm thấy rằng ta có một thứ kiểu như một người anh lớn - người sẽ đứng bên ta mỗi khi ta gặp khó khăn hay tranh chấp. [...] Một thế giới tốt đẹp cần tri thức, sự nhân hậu và lòng dũng cảm; nó không cần đến sự nuối tiếc về quá khứ hay sự trói buộc trí tuệ tự do bằng những lời lẽ mà những người kém hiểu biết đã thốt ra từ lâu[2]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bertrand_Russell //nla.gov.au/anbd.aut-an35468761 http://russell.mcmaster.ca/~bertrand/ http://en.thinkexist.com/quotation/the_whole_probl... http://en.thinkexist.com/quotation/war_does_not_de... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb11923140h http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb11923140h http://www.idref.fr/027419762 http://id.loc.gov/authorities/names/n79056054